Nguyên tắc: Chấp trì chân lý Mahatma_Gandhi

Bài chi tiết: Chấp trì chân lý

Như đã nói trong phần dẫn nhập, nguyên tắc chính của Gandhi là Satyāgraha, "Chấp trì chân lý" và người thực hiện việc này được gọi là một Satyāgrahī. Trong nhiều bài viết, Gandhi định nghĩa Chấp trì chân lý như sau (Collected Works of Mahatma Gandhi [CWMG], Vol. 16, p. 9-10):

Chấp trì chân lý là gì? Chấp trì chân lý không phải là năng lực thể chất. Người chấp trì chân lý không tổn thương đối thủ; ông ta không tìm cách huỷ diệt người ấy. Một người chấp trì chân lý không bao giờ dùng súng. Không có lòng sân ác hoặc bất cứ tâm bất thiện nào khác khi ứng dụng chấp trì chân lý.Chấp trì chân lý là một năng lực tâm linh thanh tịnh. Chân lý chính là thể chất của linh hồn. Đây là nguyên do vì sao năng lực này được gọi là chấp trì chân lý. Linh hồn bao gồm trí huệ. Ngọn lửa của lòng từ bi bùng cháy trong nó. Nếu một ai đó tổn thương ta vì vô minh thì ta thắng họ bằng tình thương. Bất hại là pháp tối cao (sa. ahiṃsā paramo dharmaḥ). Nó chính là sự chứng minh của năng lực tình thương. Bất hại là trạng thái ngủ. Khi tỉnh thức thì nó là tình thương. Được chỉ đạo bởi tình thương, thế giới tiến bước...

Theo Gandhi thì nguyên tắc Chấp trì chân lý nên đi xa hơn, ảnh hưởng nhiều hơn những dạng kháng cự xưa nay như Kháng cự thụ động, bất phục tòng của công chúng và bất hợp tác. Chấp trì chân lý bao gồm cả ba dạng này, nhưng lại tiến xa hơn (Harijan, 21.07.1940):

Theo nghĩa thường gặp thì chấp trì chân lý có nghĩa là thế lực của chân lý (truth force).... Bạo lực là sự phủ nhận năng lực tâm linh to lớn này, một năng lực chỉ có thể được sử dụng hoặc phát triển bởi những người hoàn toàn lìa xa bạo lực. Nó là một năng lực có thể được áp dụng bởi cá nhân hoặc cộng đồng, và nó cũng có thể được ứng dụng trong lãnh vực chính trị hoặc tại gia.... Tính năng có thể được áp dụng mọi nơi của nó chính là sự biểu hiện của tính trường tồn cũng như vô địch của nó. Nó có thể được áp dụng bởi đàn ông, đàn bà và trẻ em.... Những người tự thấy mình yếu hèn không thể dùng năng lực này được. Chỉ những người nhận thức được một cái gì đó của con người siêu việt bản năng thô bạo trong mình và năng lực thứ hai này luôn quy hướng về nó thì những người này mới có thể là những người kháng cự thụ động hữu hiệu.

Lúc đầu, Gandhi xem Chấp trì chân lý như là kháng cự thụ động, nhưng sau ông từ khước cách dùng này, bởi vì đối với ông, "thụ động" chỉ đến một trạng thái thừa nhận định mệnh, một cách thầm nhận những gì bất công và như vậy, nó hạ thấp năng lực nằm trong từ "kháng cự". Theo Gandhi, kháng cự đòi hỏi một tư thái anh hùng và năng nỗ hơn là trạng thái thụ động hoặc khoan nhượng.

Câu hỏi được đặt ra ở đây là đặc điểm nào đưa Chấp trì chân lý lên cao hơn ba dạng kia? Ba thành phần chính của nguyên tắc Chấp trì chân lý sẽ làm sáng tỏ sự việc, đó là Chân lý (sa. satya), Bất hại (sa. ahiṃsā) và Khổ hạnh (sa. tapas)

Chân lý

Gandhi tại New Delhi năm 1946

Gandhi phân biệt hai loại chân lý, chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối. Trong trường hợp Chấp trì chân lý thì chân lý tương đối đóng vai trò chính. Trong phần dẫn nhập của Tự truyện, Gandhi ghi như sau:

Nhưng đối với tôi, chân lý là một nguyên tắc căn bản bao gồm nhiều nguyên tắc khác. Chân lý này không chỉ là sự chân thật trong lời nói, mà cũng là sự chân thật trong tư duy, và cũng không chỉ là chân lý tương đối của khái niệm của chúng ta, mà là chân lý tuyệt đối, chân lý vĩnh hằng, và đó là Thượng đế. Có rất nhiều cách định nghĩa Thượng đế bởi vì Ngài có rất nhiều cách thể hiện. Chúng chinh phục tôi với sự kinh ngạc và kính trọng và tôi tê liệt trong một khoảnh khắc. Nhưng tôi chỉ tôn kính Thượng đế như chân lý. Tôi chưa tìm thấy Ngài, nhưng tôi tìm Ngài. Tôi sẵn sàng cống hiến những gì quý báu nhất của tôi để đi tìm. Ngay cả trường hợp sự cống hiến này đòi hỏi ngay sinh mệnh của tôi thì tôi hi vọng là sẽ sẵn lòng hiến dâng nó. Nhưng khi nào tôi chưa trực chứng chân lý tuyệt đối thì cho đến khi ấy, tôi phải nắm giữ chân lý tương đối như tôi hiểu nó. Trong thời gian này thì chân lý tương đối phải là ngọn đèn, tấm mộc và vật che chở của tôi.

Trong nguyên tắc Chấp trì chân lý, chân lý tương đối - mang khái niệm thực dụng để tìm chân lý - quan trọng hơn các khái niệm về Thượng đế, Brahman hoặc chân lý tuyệt đối. Trong khi khái niệm chân lý tuyệt đối của Gandhi bị ảnh hưởng về mặt siêu hình thì mặt khác, khái niệm chân lý tương đối, như cơ sở của chấp trì chân lý, lại rất khoa học và chính xác. Chỉ qua sự áp dụng và thực nghiệm ta mới biết được lập trường nào đứng gần chân lý tuyệt đối hơn.

Nhưng, để không bị tấm màn vô minh và huyễn giác mê hoặc, người ta phải giữ những giới luật nhất định. Chúng được hàm dung trong hai thành phần khác của Chấp trì chân lý, là Bất hại và Khổ hạnh.

Bất hại

Bất hại cũng được hiểu là Bất bạo động. Theo Gandhi, chỉ một con đường dẫn đến chân lý, và con đường này mang tên Bất hại. Theo ông, chỉ nguyên tắc bất hại mới hòa hợp với quy luật vũ trụ là Dharma. Nguyên tắc bất hại toàn hảo đòi hỏi một niềm tin vào tính nhất thể của sự sống.

Theo nguyên tắc Chấp trì chân lý, sinh mệnh của toàn thể được đặt cao hơn sinh mệnh của cá nhân và như vậy, nó đòi hỏi một tấm lòng vị tha và vô uý. Để đạt được đẳng cấp này, người ta phải tu luyện thân tâm, cụ thể là thực hiện các phép tu khổ hạnh.

Khổ hạnh

Tapas - được dịch là Khổ hạnh ở đây - có nguyên nghĩa theo Ấn Độ giáo là "sự nóng", một "ngọn lửa" có thể đốt cháy các nghiệp trước đây. Thuật ngữ này sau được dùng để chỉ sự hành hạ thể xác, tuyệt dục, lãnh đạm đối với các cảm nhận khổ lạc,... Tuy nhiên, dạng Khổ hạnh Gandhi đề cao không phải là dạng ẩn lánh vào rừng mà là dạng hết lòng phục vụ những người xung quanh, trong xã hội (CWMG, Vol. 73, S. 43-44).

Đây là một thử nghiệm mới. Bất bạo lực chưa được áp dụng trong chính trị. Bất bạo lực cũng đã được áp dụng thời xưa. Nhưng nó lúc nào cũng là việc làm của một cá nhân. Những người như thế sau này ẩn tránh trong núi hoặc sống đơn độc trong các thôn làng. Họ không lưu tâm đến hạnh phúc chung. Tôi đã bắt đầu một phong trào mới. Bất bạo lực, nếu chỉ giới hạn ở một cá nhân thôi thì chẳng phải là pháp tối cao. Tôi không kính phục một người thực hiện bất bạo lực trong một hang động. Bất bạo lực như vậy chẳng có sở dụng gì cho tôi. Tôi tin vào một dạng bất bạo lực có thể được thực hiện trong thế gian với những hiện thực rõ ràng. Tôi chẳng lưu tâm đến sự giải thoát của một người thực hiện bất bạo lực sau khi từ khước thế gian. Tôi chẳng để ý đến một sự giải thoát cá nhân loại trừ những người khác ra. Người ta có thể đạt giải thoát qua việc phục vụ người khác. Đây chính là lý do tôi đến đây để thuyết giảng sự việc cho quý vị.

Năng lực của một tâm thức chấp nhận khổ đau với chủ ý có khả năng dung hòa bạo lực. Giữ chặt chân lý mình cho là đúng có thể gây khổ đau nhiều dạng, ví như mất mát của cải, mang thương tích, thậm chí tử vong. Nhưng Gandhi lại đòi hỏi ở những người đi theo mình một sự kham khổ tuyệt đối vì ông quan niệm rằng, mức độ khổ đau chính là thước đo chiều sâu tình thương của người chấp trì chân lý dành cho đối thủ cũng như của tính chất nghiêm trọng của niềm tin của ông ấy (CWMG, Vol. 17, trang 374).

Ăn chay

Mặc dù có thử ăn thịt lúc còn nhỏ nhưng Gandhi sau này trở thành một người ăn chay tuyệt đối. Ông viết sách về chủ đề này trong thời gian du học tại Luân Đôn, sau khi gặp người tranh đấu cho việc ăn chay là Henry Stephens Salt ở những cuộc hội họp của Hội người ăn chay. Nguyên tắc ăn chay có truyền thống lâu đời trong các tôn giáo Ấn Độ như Ấn Độ giáo, Kì-na giáo và Phật giáo, và trong tiểu bang của Gandhi, Gujarat, phần lớn môn đồ Ấn giáo đều ăn chay. Ông thử nhiều cách ăn và kết luận rằng, ăn chay đủ cung cấp chất dinh dưỡng tối thiểu cho thân thể. Tuy nhiên, cách ăn của ông cũng linh hoạt và ông cũng không ngần ngại khi ăn trứng như bài viết "chìa khoá sức khoẻ" (Key to Health) năm 1948 cho thấy. Ông thường nhịn ăn lâu ngày, dùng nhịn ăn như một vũ khí chính trị. Ông từ chối không ăn cho đến chết hoặc cho đến khi những yêu cầu của ông được thực hiện.

Sống tuyệt dục

Gandhi sống tuyệt dục từ năm 36 tuổi. Quyết định này của ông bị ảnh hưởng mạnh bởi khái niệm Phạm hạnh (sa. brahmacarya) trong các tôn giáo Ấn Độ, tức là sự thanh tịnh của tâm linh và hành động, có mối liên hệ trực tiếp với việc tu khổ hạnh (sa. tapas) được nhắc bên trên. Tuy vậy, Gandhi không tin đây là một việc mỗi người nên làm. Trong Tự truyện, ông có nhắc lại cuộc phấn đấu chống lại sự thôi thúc tính dục và những cuộc ghen tuông vì bà Kasturba. Ông cho rằng, sống tuyệt dục là trách nhiệm riêng của ông để có thể phát triển lòng từ bi thay vì đam mê nhục dục.

Im lặng

Gandhi giữ giới không nói một ngày trong tuần. Ông tin là không nói sẽ mang đến sự an tĩnh nội tâm. Giới không nói bắt nguồn từ truyền thống Ấn giáo, mouna "tịnh khẩu" và śānti "tịch tĩnh". Trong những ngày này, ông trao đổi với những người xung quanh bằng cách viết trên giấy. Từ năm 37 tuổi, hơn ba năm liền ông không đọc báo vì cho rằng, trạng thái huyên náo của sự kiện thế giới làm tâm ông hỗn loạn hơn là hỗn loạn nội tâm sẵn có.

Y phục

Trở về Ấn Độ sau khi làm luật sư thành công tại Nam Phi, ông từ khước mặc y phục phương Tây - cách ăn mặc được ông liên tưởng đến phú quý và thành công. Ông ăn mặc để người nghèo nhất Ấn Độ cũng có thể chấp nhận. Gandhi khuyến khích việc mặc y phục tự dệt (khadi). Ông và môn đệ dệt vải từ sợi chỉ tự se và khuyến khích người khác cũng làm như thế. Mặc dù công nhân Ấn Độ thường ngồi không vì thất nghiệp, họ vẫn mua quần áo sản xuất bởi người Anh. Gandhi cho rằng, nếu người Ấn tự sản xuất vải, họ sẽ gây một chấn động kinh tế cho các tổ chức Anh tại Ấn Độ. Qua sự việc này, biểu tượng bánh xe se chỉ sau này được đưa vào lá cờ của Quốc dân Đại hội Ấn Độ.

Tôn giáo

Mặc dù sinh ra trong một gia đình Ấn Độ giáo, Gandhi vẫn giữ thái độ phê phán phần lớn các tôn giáo, bao gồm cả Ấn Độ giáo. Trong Tự truyện, ông ghi như sau:

Như vậy, nếu tôi không thừa nhận Thiên chúa giáo là toàn hảo hoặc vĩ đại nhất thì tôi cũng chẳng tin Ấn Độ giáo được như vậy. Những nhược điểm của Ấn Độ giáo đập ngay vào mắt tôi. Nếu kì thị người ti tiện (untouchability) là một thành phần của Ấn Độ giáo thì nó là thành phần hủ nát hoặc là một cục bướu. Tôi không thể hiểu lý do tồn tại của đa số phe phái và giai cấp xã hội. Thế nào là ý nghĩa của câu nói "Phệ-đà là những lời cảm hứng của Thượng đế"? Nếu chúng được truyền cảm, thì tại sao Thánh kinh và Koran lại không? Khi các người bạn Thiên chúa giáo tìm cách thuyết phục cải đạo, các người bạn Hồi giáo cũng làm như vậy. Abdullah Sheth liên tục khuyến dụ tôi nghiên cứu Hồi giáo và dĩ nhiên là ông ta luôn có những gì để nói về cái đẹp của nó.

Và ông cũng nói thêm:

Khi mất cơ sở đạo đức, chúng ta mất lòng thành tín. Không có gì ta có thể gọi là Đạo đức siêu việt tôn giáo. Con người không thể giả dối, ác hại hoặc phóng dật rồi sau đó xác định là có Thượng đế bên cạnh.

Nhưng Gandhi phê phán tính đạo đức giả trong tôn giáo có tổ chức hơn là những nguyên tắc cơ bản của chúng. Ông nói như sau về Ấn Độ giáo:

Ấn Độ giáo, như tôi hiểu, làm tôi mãn nguyện hoàn toàn, vun đầy thể chất của tôi.... khi hoài nghi lai vãng, khi thất vọng đối diện tôi, và khi tôi không còn thấy một tia sáng nào ở chân trời, lúc đó tôi mở quyển Chí tôn ca, tìm đọc một câu an ủi; và ngay lập tức, tôi có được một nụ cười ngay trong nỗi lo bức bách. Cuộc đời tôi đầy những thảm kịch và nếu chúng không để lại hiệu quả hiển nhiên không thể tẩy đi được nơi tôi thì đó kết quả của những lời dạy trong Chí tôn ca.

Quan niệm Jihad của Hồi giáo cũng có thể được hiểu là một cuộc đấu tranh bất bạo động hoặc Chấp trì chân lý như Gandhi đã áp dụng. Ông nói như sau về Hồi giáo:

Những lời dạy của Muhammad là kho báu trí huệ, không những cho môn đồ Hồi giáo, mà cho toàn nhân loại.

Sau này, khi được hỏi có phải là môn đồ Ấn giáo hay không, ông ứng đáp:

Đúng, tôi là môn đồ Ấn giáo. Tôi cũng là một tín đồ Thiên chúa giáo, một tín đồ Hồi giáo, một Phật tử và một môn đồ Do Thái.

Gandhi tin rằng, tinh hoa của mỗi tôn giáo là chân lý và tình thương. Ông bị ảnh hưởng lớn bởi giáo lý bất kháng cự (nonresistance) và "đưa má thứ hai" ra (khi bị đánh một bên má) của Thiên chúa giáo, và ông có lần nói là nếu Thiên chúa giáo được áp dụng như trong Bài giảng trên núi thì ông là một tín đồ Thiên chúa giáo.

Niềm tin

Mặc dù rất kính trọng nhau nhưng Gandhi và Rabindranath Tagore tranh luận dai dẳng nhiều lần và các cuộc tranh luận này là những ví dụ tiêu biểu cho những quan điểm triết học dị biệt giữa hai danh nhân Ấn Độ vĩ đại nhất thời đó. Ngày 15 tháng 1 năm 1934, một cơn động đất xảy ra tại Bihar, gây tử vong và thiệt hại lớn. Gandhi tin chắc rằng sự việc xảy ra vì tội lỗi của những môn đồ Ấn giáo thuộc giai cấp cao, vì họ không cho những kẻ ti tiện vào đền thờ. Tagore phản đối cực lực lập trường của Gandhi, cho rằng, một cơn động đất chỉ có thể xảy ra trên cơ sở năng lực thiên nhiên, không phải vì lý do đạo đức cho dù việc kì thị người vô giai cấp đáng chê trách như thế nào đi nữa.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Mahatma_Gandhi //nla.gov.au/anbd.aut-an35111345 http://www.laurentian.ca http://www.mbchamber.mb.ca/news/News%2004/mccatten... http://wikilivres.ca/wiki/The_Story_of_My_Experime... http://wikilivres.ca/wiki/The_Story_of_My_Experime... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/225216 http://books.google.com/books?id=FauJL7LKXmkC&pg=P... http://books.google.com/books?id=svxDMQZ7fakC&pg=P... http://books.google.com/books?id=uiBNJWqtiVcC&pg=P... http://www.hindustantimes.com/storypage/storypage....